7 nguyên do khiến sách không lời thực sự có sức hút mạnh mẽ

Những cuốn sách không lời thường nhanh chóng bị mọi người bỏ qua do được cho là quá dễ đọc, dễ hiểu. Tuy nhiên, chúng lại là công cụ tuyệt vời trong việc phát triển các kỹ năng đọc và viết cho trẻ nhỏ. Hiểu một cuốn sách không lời liên quan đến việc diễn giải được các hình ảnh minh hoạ vì sách không có từ ngữ để trẻ dựa vào đó và hiểu nội dung. Việc này thúc đẩy khả năng đọc hiểu, từ vựng và nghe ở trẻ cũng như hiểu được cấu trúc câu chuyện và sự phát triển của nhân vật.

1. Sách không lời và kỹ năng đọc hiểu

Một người đọc thành thục cần có kỹ năng đọc hiểu tốt, bao gồm việc nhớ những gì đã xảy ra và dự đoán sự việc sắp tới. Đối với nhiều trẻ, việc này quả là khó khăn. Những cuốn sách không lời làm tốt việc thúc đẩy khả năng dự đoán sự việc ở trẻ. Vì không có từ vựng chỉ dẫn, chúng phải tự mình phán đoán, chỉ được dùng minh hoạ và trí tưởng tượng của mình. Việc này không chỉ phát triển khả năng đọc hiểu mà còn giúp trẻ hiểu về tổng thể cấu trúc câu chuyện, cốt truyện.
Trẻ nhỏ cần thực hành việc kể lại các câu chuyện theo những cách thức thú vị và hào hứng. Cùng đọc một cuốn sách không lời với những độc giả nhí sẽ giúp bạn hình thành được những kỹ thuật kể chuyện, tạo những kết nối, dự đoán và đặt câu hỏi. Với việc thực hành thường xuyên và liên tục, những phản hồi độc lập ở trẻ sẽ trở nên tự nhiên và chi tiết hơn.
Trước khi kể lại chuyện, bạn hãy cho trẻ thời gian để chúng tự đọc lướt qua hay thảo luận về cuốn sách. Sự vội vàng có thể dẫn tới việc bỏ sót các manh mối hình ảnh và hiểu sai câu chuyện. 

2. Tự tin và Độc lập với sách không lời

Xây dựng sự tự tin là nhân tố cần thiết để hình thành niềm yêu thích đọc sách ở trẻ. Những cuốn sách tranh không lời củng cố sự độc lập, đặc biệt đối với những độc giả nhí. Một đứa trẻ sẽ cảm thấy tự tin và tự hào về bản thân hơn khi chúng có thể tự mình đọc một cuốn sách. Các thầy cô thấy đó, việc học đọc mỗi ngày thật vất vả đến nhường nào! Việc giúp trẻ chọn lựa một cuốn sách khác thường phụ thuộc vào trải nghiệm đọc trước đó của chúng. Đối với trẻ, quan trọng là có trải nghiệm đọc tích cực. Những cuốn sách tranh không lời đem lại cho trẻ một khoảng nghỉ từ việc phải “giải mã” và đưa ra cơ hội được tập trung hơn vào chính bản thân câu chuyện.
Một cuốn sách tranh không lời luôn tốt cho một đứa trẻ ở bất kỳ độ tuổi hay khả năng đọc như thế nào. Đối với những đứa trẻ gặp khó khăn trong việc đọc, chúng hoàn toàn có thể tự mình thưởng thức một cuốn sách không lời.
Sách không lời cũng là một lựa chọn hoàn hảo cho các bạn lớn hơn – những đứa trẻ cần xây dựng kỹ năng đọc hiểu hay kỹ năng kể chuyện. Hay cả đối với các bạn nhỏ hơn – những người mới đọc, những người có vốn từ còn hạn hẹp thì nay có thể tập trung hơn vào các hình minh hoạ, câu chuyện và nhân vật. Nhiều cuốn sách không lời là các tác phẩm nghệ thuật thực sự và trông “không quá trẻ con” hay “quá dễ đọc”. 

3. Sách không lời và kỹ năng nói

Sách không lời dường như biến trẻ thành một nhân vật trong chính cuốn sách đó. Dõi theo các câu hỏi ở trẻ giúp tạo kết nối và gia tăng việc hiểu nội dung. Bởi vì không có từ vựng, mạch truyện không bị gián đoạn như khi trẻ đọc sách có chữ. Sách không lời khuyến khích trẻ kể một câu chuyện hơn là việc đọc từ ngữ hay nghe người lớn đọc cho nghe để hiểu.
Làm mẫu cách mô tả cốt truyện, bối cảnh và nhân vật. Bạn có thể thảo luận nguyên nhân và kết quả, giải quyết xung đột, thêm hội thoại và làm rõ những gì đang xảy ra. Khuyến khích sự tưởng tượng ở trẻ bằng việc nghĩ ra cách thức mới để kể lại câu chuyện trong mỗi bài đọc mới.
Việc đặt câu hỏi dạy trẻ biết rằng những manh mối của câu chuyện không chỉ nằm ở ngôn từ mà còn ở trong từng minh hoạ nữa. Dưới đây là một vài câu hỏi gợi ý cho bạn.
– Chuyện gì đang xảy ra?
– Con hãy nói về các nhân vật đi. Cảm xúc của các bạn ấy như thế nào?
– Nhân vật này đang nghĩ gì nhỉ? Làm sao con biết?
– Mục tiêu/Sứ mệnh của nhân vật này là gì? Họ làm thế nào để đạt được mục tiêu?
– Tại sao nhân vật đưa ra lựa chọn này? Liệu họ đã có thể có một lựa chọn tốt hơn?
– Nhân vật này làm gì tiếp theo? Những hành động của họ sẽ ảnh hưởng tới câu chuyện như thế nào?
– Con nghĩ nhân vật này đang nói gì thế? Tại sao?
– Bối cảnh câu chuyện này là gì? Con nhận thấy điều gì về bối cảnh đó?
– Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Làm sao con biết?

4. Sách không lời và việc tiếp thu từ mới

Kể chuyện với sách không lời còn giúp tăng vốn từ vựng và kỹ năng nói ở trẻ. Việc phân tích các hình minh hoạ, bối cảnh và hành động nhân vật giúp trẻ có thêm nhiều từ vựng mới, phức tạp hơn một cách tự nhiên. Bởi khi trẻ cố gắng phân tích, diễn đạt lại nội dung câu chuyện theo trí tưởng tượng của mình, trẻ đã đang vô tình cố gắng thực hành sử dụng và nạp thêm được rất nhiều từ vựng vào “từ điển” của chính mình khi chúng hiểu và chuyển tải nội dung câu chuyện cho một người khác.

5. Sách không lời và sự đánh giá cao về hình ảnh

Những minh hoạ truyền tải cảm xúc, chi tiết câu chuyện và những dự báo trước. Với sách không lời, bạn kết hợp ngôn từ và nghệ thuật để kể một câu chuyện, làm cho mỗi bài đọc trở nên khác biệt. Việc tìm kiếm manh mối trong các minh hoạ giúp người đọc diễn giải được cốt truyện. Áp dụng kỹ năng này để đọc sách có ngôn từ giúp trẻ đọc được những từ vựng mới. Việc tập trung vào  các hình minh họa sẽ còn loại bỏ được những áp lực mà một số trẻ tự cảm thấy khi đọc sách.

6. Cấu trúc và trình tự câu chuyện sách không lời

Những cuốn sách không lời giúp phát triển kỹ năng kể chuyện ở trẻ. Cùng nhau kiểm tra cấu trúc câu chuyện. Tập trung vào chuỗi sự kiện, đặc biệt là phần mở đầu, phần giữa và phần kết chuyện. Việc trẻ kể lại câu chuyện giúp trẻ nâng cao hiểu biết rằng những hành động xảy ra theo một trình tự cụ thể ảnh hưởng đến kết quả câu chuyện. Sử dụng những cuốn sách không lời sẽ trẻ có thể cảm nhận và tập trung vào cốt truyện tốt hơn.

7. Sách không lời và kỹ năng viết

Kỹ năng kể chuyện ảnh hưởng đến việc viết độc lập. Sử dụng sách không lời như những người bạn đường đầu tiên của trẻ trong các hoạt động viết độc lập. Việc này tạo ra cơ hội để kết hợp các ý tưởng từ việc đọc của trẻ, như từ vựng, cấu trúc câu, cấu trúc câu chuyện và phát triển nhân vật.
Là một người giáo viên, tôi sử dụng sách không lời để truyền cảm hứng cho việc viết sáng tạo. Trẻ có thể tự mình kể câu chuyện, thêm hội thoại nhân vật và viết phần kết hoặc khúc dạo đầu. Dùng sách như một nguồn cảm hứng giúp những đứa trẻ gặp khó khăn với việc viết có thêm cơ hội phát triển các ý tưởng sáng tạo.

Link bài gốc:
https://childrenslibrarylady.com/why-are-wordless-picture-books-important/
Bài viết được dịch bởi Hannah Chan – Tình nguyện viên tại thư viện Lotus Community.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *