Con ngại đọc sách, ba mẹ làm gì để con có thói quen đọc?
Bà Amanda Jones là một giáo viên kiêm thủ thư tại Louisiana đã được trao tặng danh hiệu Thủ thư học đường tại Louisiana năm 2020 và Thủ thư học đường năm 2021 của tạp chí School Library Journal. Bà đã có nhiều kinh nghiệm làm việc với những đứa trẻ ngại đọc sách. Dưới đây là một vài bí quyết của bà để giúp trẻ hình thành thói quen đọc sách. Bên cạnh việc khuyến khích các bé đọc nhiều hơn, những điều này còn giúp các bậc cha mẹ và các bé có khoảng thời gian tuyệt vời để gắn kết và chia sẻ.
1. Cùng con nói về những bộ phim và chương trình truyền hình yêu thích
Hãy cùng con thảo luận về những chương trình yêu thích, để con tóm tắt nội dung và mô tả nhân vật yêu thích của mình – điều này sẽ giúp con phát triển kỹ năng nắm thông tin tổng quát. Nếu bộ phim con thích có sách kèm theo, hãy để con tiếp tục khám phá thế giới trong những trang sách của tác giả sau khi xem phim.
Jones gợi ý: “Nếu một cuốn sách đã được chuyển thể thành phim, cả nhà hãy cùng nhau đọc nó trước khi xem phim. Sau đó, cha mẹ và các con có thể chia thành các đội để so sánh và đối chiếu bộ phim và cuốn sách đó.”
2. Cho con xem trailer sách
Trailer sách, thường được làm dưới hình thức giống như trailer phim sẽ khiến trẻ vô cùng thích thú với những cuốn sách. Được thực hiện bởi các nhà xuất bản và đôi khi là của các độc giả, các trailer sách thường đi kèm với những đoạn phim minh hoạ đầy sống động, chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của các độc giả nhỏ tuổi.
3. Cùng con đọc những tác phẩm hài hước
Trẻ em luôn thích thú với sự khôi hài, vì vậy hãy tạo tiếng cười cho con thông qua những cuốn truyện tranh hay một vài mẩu chuyện hài. Hãy cùng con đọc to những câu chuyện vào mỗi bữa sáng hoặc sau mỗi giờ học và hỏi về điều mà con thích trong những câu chuyện ấy. Nếu như cuốn sách ấy là một phần của một bộ truyện, hãy lên kế hoạch để cung cấp cho con những cuốn sách tiếp theo để chúng có thể đọc lướt với tốc độ của riêng mình.
4. Chuẩn bị các loại sách phong phú, đa dạng
Hãy chắc chắn rằng luôn có sách cho con đọc ở mọi nơi trong nhà bạn, đặc biệt là trong góc đọc riêng của con – sự đa dạng chính là chìa khóa. Vào những khi gia đình cùng đi ô tô, hãy chuẩn bị một chiếc túi nhỏ với nhiều loại sách để các con có thể đọc khi ngồi trên xe.
5. Hãy làm gương cho con
Con trẻ sẽ bắt chước hành vi của cha mẹ, vì vậy, nếu như bạn muốn con tin rằng việc đọc sách rất cần thiết và đem lại nhiều niềm vui, bạn cần phải thể hiện rằng bạn thích đọc sách và dành thời gian cho việc đọc. Amanda Jones khuyên rằng, bạn nên đọc cho con nghe, ngay cả khi con đã có thể đọc một cách độc lập.
6. Đặt mua các loại tạp chí
Trẻ em thích được nhận thư. Việc đăng ký một hoặc hai tạp chí dưới tên con sẽ mang lại cho con niềm phấn khích được mong chờ hàng tháng. Việc nghĩ rằng những cuốn tạp chí ấy là của riêng mình cũng khiến cho các con thích thú với việc đọc hơn.
7. Cùng con nghiên cứu chủ đề yêu thích chung
Khi sử dụng những cuốn tạp chí ngay làm điểm khởi đầu, hãy nắm bắt những thứ mà con yêu thích ở thời điểm hiện tại (bởi lẽ sở thích của trẻ luôn luôn thay đổi theo thời gian) và gợi ý cho con khám phá những chủ đề này sâu hơn thông qua Internet.
8. Cho con tham gia những buổi kể chuyện, đọc sách và đóng kịch
Hãy cho con thấy rằng có rất nhiều trẻ em và người lớn yêu thích sách bằng cách cùng con tham gia những buổi đọc sách cộng đồng và những buổi kể chuyện tại thư viện địa phương hoặc các nhà sách. Những vở kịch sẽ giúp các con liên kết vốn từ của mình với các tín hiệu của cuộc sống xung quanh một cách vui vẻ, tự nhiên.
9. Gợi ý cho con những cuốn sách theo sở thích
Những đứa trẻ yêu thích thể thao và những hoạt động ngoại khóa hẳn sẽ vô cùng bất ngờ khi biết rằng, trong kho tàng sách phong phú luôn có những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi và sở thích của mình.“Các bé yêu thích bóng chày có thể sẽ đắm chìm ngay vào những cuốn tiểu sử của các cầu thủ và những cuốn tiểu thuyết thể thao khi biết đến sự tồn tại của chúng.” – Amanda Jones cho biết.
10. Giúp con tiếp cận với sách ở các dạng thức khác nhau
Những hình ảnh minh họa dễ hiểu và các đoạn văn đơn giản của những cuốn tiểu thuyết bằng tranh được trẻ em, đặc biệt là những bạn nhỏ ngại đọc sách yêu thích. Nhưng các bậc cha mẹ và một số nhà giáo dục thường không coi chúng là những cuốn sách “thật sự”, bà Jones chia sẻ. “Chúng ta cần phải thay đổi tư duy ấy,”Tiểu thuyết bằng tranh của cùng một tác giả cùng với bản tiểu thuyết bằng chữ, có thể là một bước đệm trong quá trình đọc phức tạp hơn của độc giả nhỏ tuổi sau này, đồng thời giúp các bé hình dung một cách rõ ràng về thế giới hư cấu của tác giả và những nhân vật yêu thích của mình. Amanda Jones gợi ý, khi cuốn sách mà con bạn yêu thích có nhiều dạng thức – chẳng hạn như dưới dạng sách theo từng chương và tiểu thuyết bằng tranh – hãy cung cấp cho con cả hai phiên bản để con có thể bắt đầu chuyến hành trình với những trang sách một cách vui vẻ và thoải mái nhất. “Tôi thường đặt hai phiên bản của cuốn sách nằm cạnh nhau trên giá. Chẳng hạn, tôi sẽ đặt cuốn The Giver bên cạnh phiên bản minh họa bằng tranh của nó.”
Link bài gốc: https://www.scholastic.com/parents/books-and-reading/reading-resources/integrating-reading-everyday-life-reluctant-readers.html
Bài viết được dịch bởi Minh Hiếu – Tình nguyện viên tại thư viện Lotus Community.