6 chiêu để đối phó với sự tò mò và những câu hỏi không hồi kết của con

Bài viết được thực hiện bởi Andrew Chan (Đồng sáng lập Lotus)
Dịch bởi Tít (Tình nguyện viên team dịch)

Độ tuổi từ 2 đến 5 là giai đoạn mà các con không ngừng đặt câu hỏi. Có lúc con chỉ muốn bạn chú ý (“Bố có ở đó không ạ?”), có lúc con lại muốn đưa ra một yêu cầu gì đó (“Con uống sữa được không ạ?”) hay xin phép làm một điều gì đó (“Con ra ngoài chơi được chứ ạ?”).

Tuy nhiên, hai phần ba số câu hỏi con đặt ra ở độ tuổi này là để lấy thông tin. Con muốn khám phá thế giới xung quanh mình. Có thể bạn đã quen với điều này: Con bạn muốn được giải thích về một vấn đề nào đó, rồi câu trả lời lại dẫn đến một câu hỏi khác khi con muốn biết nhiều hơn. Nếu câu trả lời đó không có thông tin mà con cần, con sẽ vẫn tiếp tục hỏi đấy.

Vì vậy, việc đầu tiên là bạn cần bình tĩnh và trả lời câu hỏi của con một cách cẩn thận. Chắc chắn rằng đã có những lúc bạn cảm thấy bị choáng ngợp với những câu hỏi đó. Và đây chính là lý do Lotus thực hiện bài viết này. Dưới đây là những lý do chính, tại sao những câu hỏi của con khiến bạn nản lòng, và những giải pháp để khắc phục nhé.

  1. Con mất tập trung trong lúc bạn đang trả lời

Hãy cố gắng rút ngắn câu trả lời của bạn. Ví dụ, khi con hỏi: “Tại sao lá có màu xanh?” Thay vì đưa ra một giải thích dài dòng về quang hợp, bạn chỉ cần nói “Thức ăn của cây nằm trong những chiếc lá, mà thức ăn thì có màu xanh.” Với lứa tuổi này, câu trả lời càng ngắn càng tốt. Nếu con bạn muốn biết nhiều hơn, con sẽ hỏi tiếp.

  1. Con mất tập trung trước cả khi bạn trả lời

Đôi khi con chỉ đưa ra những câu hỏi mà không chú ý đến câu trả lời. Ví dụ, con sẽ hỏi “Tại sao?” khi bạn nói bất cứ điều gì. Đừng cố rút ngắn cuộc trò chuyện bằng cách nói rằng: “Con còn chẳng thèm nghe cơ mà.” Hãy thử đặt ra câu hỏi của riêng bạn. Hỏi ngược lại con bạn sẽ chẳng có ích gì đâu (“Tại sao con nghĩ lá có màu xanh?”). Thay vào đó, thử hỏi một câu mà con bạn biết câu trả lời là gì. Ví dụ, “Tại sao cái bàn lại màu đỏ nhỉ?” Trả lời: “Vì chúng ta đã sơn nó.” “Vậy con có nghĩ rằng ai đó đã sơn lên những chiếc lá không?” Có thể trường hợp của bạn sẽ khác đôi chút, nhưng điều đó vẫn ổn.

  1. Con hỏi đi hỏi lại một vấn đề quá nhiều lần

Điều đó không có nghĩa rằng con không biết lắng nghe hay có trí nhớ tệ đâu. Đơn giản chỉ là con chưa hiểu rõ câu trả lời mà bạn đã giải thích trước đó. Hoặc có thể bạn đã trả lời vấn đề “có vẻ” đã được hỏi, nhưng thật ra điều mà con muốn biết lại là vấn đề khác. Hãy cố gắng giải thích theo nhiều cách khác nhau, có thể bằng cách vẽ ra hoặc sử dụng những ví dụ thực tế trong cuộc sống.

  1. Bạn không biết câu trả lời

Nếu bạn không biết chính xác câu trả lời, hãy nói rằng mình không biết. Nói với con rằng câu hỏi này thật thú vị, bảo con nhớ nhắc bạn và cả hai sẽ cùng tìm câu trả lời sau. Bằng cách này, bạn khuyến khích con tìm hiểu thêm về tri thức cũng như thỏa mãn trí tò mò bằng chính nỗ lực của bản thân con.

  1. Con bị phân tâm khi bạn đang tìm kiếm câu trả lời

Con bị phân tâm bởi điều gì? Các mục khác trong quyển bách khoa toàn thư? Chà, đó là chuyện tốt đấy chứ. Bởi những bức ảnh trong điện thoại của bạn? Vậy thì đừng tìm câu trả lời trên điện thoại nữa. Hãy nhìn và học từ chính con bạn, rằng điều gì sẽ thật sự hiệu quả cho con nhé.

  1. Câu hỏi khiến bạn không thoải mái

“Em bé đến từ đâu ạ?” “Ông sẽ chết vì ung thư ạ?” Đừng ngăn cản con hỏi những vấn đề khiến bạn thấy không thoải mái. Thứ nhất, trả lời những câu hỏi đó dựa theo tình hình thực tế. Thứ hai, trả lời một cách đơn giản, không cần thiết phải cho con biết nhiều hơn những gì con muốn. Thứ ba, nếu con vẫn chưa hài lòng với câu trả lời ngắn gọn của bạn và tiếp tục hỏi, nếu bạn cảm thấy con chưa thực sự sẵn sàng, hay thử nói “Bố/mẹ đã cho con biết một số điều liên quan rồi, hãy suy nghĩ về nó. Nếu con vẫn còn thắc mắc, chúng ta sẽ nói về nó sau nhé.” Có thể con sẽ quên. Nhưng nếu con vẫn còn nhớ, thì bạn cũng có thêm thời gian để cân nhắc câu trả lời của mình đúng không?

Bằng cách trả lời những câu hỏi của con một cách cẩn thận và tôn trọng, chúng ta đang gieo những hạt giống cho sự tò mò, học hỏi không ngừng trong suốt cuộc đời của con. Đó là một trong những món quà tuyệt vời nhất mà chúng ta có thể trao cho các con của chúng ta đấy các bạn ạ!

. . .

Bài viết được thực hiện bởi Lotus Community. Chúng tôi là một dự án thư viện sách giấy tiếng Anh phi lợi nhuận tại Hà Nội,Việt Nam. Mời bạn xem toàn bộ danh sách hơn 10,000 cuốn sách, và đăng ký trở thành thành viên của thư viện.

Sứ mệnh của chúng tôi – là lan tỏa tình yêu đọc sách tới tất cả mọi người tại Việt Nam. Và để thực hiện được điều này, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của các bạn. Mong các bạn cân nhắc hỗ trợ chúng tôi bằng cách chuyển khoản tới:

Techcombank – Ngân Hàng Kỹ Thương Việt Nam
Số tài khoản: 19034495387022
Chủ tài khoản: Nguyễn Thị Đào (Điều hành dự án)
Chi nhánh: Ngọc Khánh – Thành phố Hà Nội

Cảm ơn các bạn vì đã chung tay cùng chúng tôi đưa những cuốn sách tiếng Anh chất lượng tới tay tất cả mọi người trên đất nước Việt Nam!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *