Mẹo đọc sách cho con theo từng giai đoạn phát triển

Bài viết được thực hiện bởi Andrew Chan (Đồng sáng lập Lotus)
Dịch bởi Tít (Tình nguyện viên team dịch)

Có quá nhiều thứ cần phải chuẩn bị khi một em bé sắp chào đời. Mua bỉm, dọn phòng, thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày sao cho phù hợp với thành viên mới của gia đình, vân vân và vân vân. 

Để cuộc sống của bạn trở nên dễ dàng hơn, chúng tôi đã xây dựng các giai đoạn phát triển của trẻ- tương ứng thì chúng ta cần làm gì, để giúp bạn bắt đầu thói quen đọc sách cùng con, bất chấp mọi khó khăn khác còn đang chờ đợi bạn nhé.

Giai đoạn 1: Trẻ sơ sinh

  • Con đang tiếp thu tất cả mọi từ ngữ từ bạn đấy! Hầu hết các từ đó đối với trẻ chỉ là những âm thanh- kích thích các mô thần kinh, từ đó hỗ trợ khả năng nói của trẻ bằng tiếng Anh hay tiếng Việt (hay bất cứ ngôn ngữ nào mà trẻ đang nghe).
  • Ở giai đoạn này, con bạn khá hân hoan khi nghe bạn đọc thành tiếng, tuy nhiên cả nội dung hay hình ảnh đều không khiến trẻ thật sự thỏa mãn đâu.
  • Hãy thử loại sách chỉ có hai màu trắng đen hoặc sách có thật ít màu sắc.
  • Giữ trang sách mở chừng nào trẻ còn muốn nhìn hình ảnh trong đó.
  • Tìm những quyển sách có các chất liệu khác nhau và giúp trẻ khám phá những chất liệu đó bằng cách chạm, sờ vào chúng.

Giai đoạn 2: Trẻ bắt đầu biết ngẩng đầu

  • Cho trẻ nằm sấp trên sàn và đặt trước mặt trẻ một quyển sách đang mở.
  • Đưa cho trẻ một quyển sách để trẻ cầm và chơi trong khi bạn đang đọc cho trẻ nghe một quyển khác.

Giai đoạn 3: Trẻ đã biết ngồi

  • Thời gian lý tưởng để bắt đầu hỏi “ … ở đâu?” và trả lời rằng “Nó kia rồi!”
  • Ngồi đối diện với trẻ trên sàn nhà, chuyển sách qua lại cho nhau và nói về chúng. Ví dụ, bạn có thể nói “Con có thể đưa cho bố/mẹ quyển sách có con mèo được không? Cảm ơn con!”

Giai đoạn 4: Trẻ đang tập bò

  • Con bạn hăng hái di chuyển và khám phá xung quanh nhà nên hứng thú của trẻ với sách có thể giảm đi. Đừng lo lắng, điều này rất bình thường. Nếu bạn cảm thấy quá khó để khơi gợi hứng thú của trẻ, hãy để dành sách cho những lúc trẻ yên lặng, ví dụ như trước giờ nghỉ trưa hay giờ đi ngủ buổi tối. Rồi trẻ cũng sẽ thấy mệt mỏi và cần nghỉ ngơi sau những khám phá ban ngày thôi.
  • Khuyến khích trẻ bò đến chỗ bạn và quyển sách mà bạn đang đọc.
  • Đọc một quyển sách khi con bạn ngồi trên ghế sau bữa ăn.

Giai đoạn 5: Trẻ biết nói ( 1 vài từ)

  • Con sẽ có một từ ưa thích mà con sẽ dùng để diễn tả mọi thứ trong sách và tất cả những thứ khác nữa, ví dụ như mèo: mèo là mèo, chó cũng là mèo, v.v. Bạn hiểu chứ?
  • Thử những quyển sách về động vật và cùng trẻ tập nói theo giả giọng tiếng của các loài động vật.
  • Trẻ có thể muốn đọc cho bạn nghe. Hãy tận hưởng nó dù trẻ có đọc từ dưới lên, đọc ngược hay đọc một cách không rõ ràng. Hãy lắng nghe, cười và cười.
  • Đọc những quyển sách có những từ ưa thích của trẻ, như quả bóng, cún con hoặc mặt trăng. Có thể bạn sẽ được đọc cái gì đó dài và phức tạp hơn nếu làm đều này nhé.
  • Để cho trẻ tự chọn mình sẽ đọc gì. Điều này khuyến khích trẻ giao tiếp và trở nên độc lập hơn. Chỉ nên đưa ra cho trẻ hai lựa chọn, nhiều hơn hai có thể sẽ khiến trẻ bị quá tải đấy.

Giai đoạn 6: Trẻ đã nói nhiều hơn

  • Giờ thì bạn có thể bắt đầu chơi trò “ … ở đâu?” và đợi câu trả lời. Hãy kiên nhẫn, đừng giúp trẻ trừ khi trẻ thật sự bí.
  • Hỏi trẻ về những điều không quá hiển nhiên trong trang sách.
  • Trẻ có thể liên tục đòi đọc hoặc chơi cùng với sách. Hãy đưa nó cho trẻ và nghỉ ngơi một lúc. Bạn xứng đáng với điều đó.

Giai đoạn 7: Trẻ có thể chạy ( nhưng chưa nói nhiều)

  • Hãy chuẩn bị sẵn tinh thần khi những quyển sách bị xé rách hoặc hư hỏng. Dùng băng dính để dán chúng lại và cố đừng để bản thân bị ảnh hưởng quá nhiều. Nếu bạn trở nên quá khó chịu vì một trang sách vô tình bị xé rách, đọc sách sẽ trở thành một trò chơi mà con bạn không bao giờ muốn chơi lần nữa đâu.
  • Thêm một số hoạt động thể chất vào lúc đọc. Ví dụ, bạn có thể hỏi “Chú thỏ kia đang nhảy kìa. Con có thể cho mẹ xem con nhảy như thế nào không?”

Giai đoạn 8: Trẻ nói liên tục

  • Mở rộng các câu hỏi bạn sẽ hỏi trẻ. Ví dụ, “Con có thể tìm thứ gì đó mà hươu cao cổ có thể ăn được chứ?” và “Con nghĩ con cú sẽ làm gì với những sợi mì?”
  • Để trẻ kể cho bạn nghe những câu chuyện trong quyển sách ưa thích của mình.
  • Cố ý đọc sai một từ gì đó trong sách và để trẻ bắt lỗi điều đó. Ví dụ, bạn có thể chỉ vào một chiếc xe ô tô và nói rằng “Ôi, chiếc thuyền đẹp quá!”
  • Đừng vứt những quyển sách lúc nhỏ đi chỉ vì trẻ đã lớn. Để những quyển sách đó trên giá sách của trẻ vì trẻ sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi đọc những quyển sách quen thuộc với chúng.
  • Thử đọc những câu chuyện dài hơn với những hình ảnh nhỏ hơn. Tuy vậy, đừng quá lo lắng nếu ban đầu trẻ không tập trung vào nó.

Hãy nhớ rằng mỗi đứa trẻ đều là duy nhất và phát triển với tốc độ của riêng của chúng. Vì vậy, nếu con bạn không thể làm theo những hoạt động gợi ý trên của chúng tôi trong từng giai đoạn phát triển tương ứng của trẻ, không sao cả nhé! Nếu điều đó xảy ra, bạn chỉ cần lùi lại một bước và thử nó vào một dịp khác thôi. ^^
Điều quan trọng ở đây là chúng ta dành thời gian vui vẻ với con và sách. Hãy tập trung vào những gì con bạn CÓ THỂ làm để đạt được thành công rực rỡ nhất.

. . .

Bài viết được thực hiện bởi Lotus Community. Chúng tôi là một dự án thư viện sách giấy tiếng Anh phi lợi nhuận tại Hà Nội,Việt Nam. Mời bạn xem toàn bộ danh sách hơn 10,000 cuốn sách, và đăng ký trở thành thành viên của thư viện.

Sứ mệnh của chúng tôi – là lan tỏa tình yêu đọc sách tới tất cả mọi người tại Việt Nam. Và để thực hiện được điều này, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của các bạn. Mong các bạn cân nhắc hỗ trợ chúng tôi bằng cách chuyển khoản tới:

Techcombank – Ngân Hàng Kỹ Thương Việt Nam
Số tài khoản: 19034495387022
Chủ tài khoản: Nguyễn Thị Đào (Điều hành dự án)
Chi nhánh: Ngọc Khánh – Thành phố Hà Nội

Cảm ơn các bạn vì đã chung tay cùng chúng tôi đưa những cuốn sách tiếng Anh chất lượng tới tay tất cả mọi người trên đất nước Việt Nam!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *